Thái Lý Phật HẬU HỒNG THẮNG

Thái cực Trường sinh: Môn võ dưỡng sinh cho mọi người

Thứ hai - 12/10/2015 04:47
Là một trong những bộ môn khoa học dưỡng sinh cổ truyền, Thái cực Trường sinh đạo (TCTS) dần dần được mọi người, mọi thành phần và mọi lứa tuổi tích cực hưởng ứng và tham gia luyện tập rộng rãi trên toàn quốc.
Thái cực Trường sinh: Môn võ dưỡng sinh cho mọi người

Thái cực Trường sinh Đạo là bài luyện tập cổ truyền của dân tộc Việt Nam, trên cơ sở y học và thể dục học cổ truyền có tiếp thu tinh hoa Thái Cực quyền Trung Quốc và luyện Yoga của Ấn Độ, gồm có 3 phần: Luyện hình (phương pháp tập luyện theo 128 thức), quán tường (phương pháp luyện tập tư tưởng) và hoàn thành bài tập (phương pháp kết thúc bài tập).

Ưu điểm của bộ môn Thái cực Trường sinh đạo là không cần phân biệt tuổi tác, không quan tâm đến cơ địa mỗi người, chỉ cần luyện tập đúng động tác phối hợp phương pháp hít thở là đã có thể làm cho cơ thể khỏe mạnh. Thái cực Trường sinh đạo không cần sân bãi, tập được mọi lúc mọi nơi, không có phản ứng phụ (hay còn gọi là “Tẩu hỏa nhập ma”) tập đúng thì hiệu quả đến nhanh, kết quả có sớm và nếu tập chưa chuẩn thì phải tập nhiều thời gian và nhiều lần hơn mà thôi. Bác Phạm Trọng Đông, môn sinh của Câu lạc bộ dưỡng sinh Vườn Hồng Hà Nội cho biết: “Cuộc sống quả là phong phú vô cùng, điều mình biết chỉ là hữu hạn, địều chưa biết còn mênh mông hơn nước đại dương. Còn cần nhiều tâm huyết của nhiều người để tìm hiểu, khám phá những điều mới lạ, những điều chưa hiểu hết. Đó là tôi đang nói tới bài tập Thái cực Trường sinh đạo.

Cũng là cơ duyên may mắn, tôi đọc được bài viết “Cải tử hoàn sinh nhờ Thái cực Trường sinh” trên báo An ninh thế giới và tìm đến với TCTS. Từ buổi đầu bỡ ngỡ tìm học và luyện tập hằng ngày, nay tôi đã thực sự yêu mến và tự hứa với sư phụ – cố Giám đốc Trung Tâm UNESCO TCTS Đạo Việt Nam – Nguyễn Song Tùng: sẽ luyện tập bài võ dưỡng sinh này đến hết đời. Nói vậy chắc bạn đọc và các cô bác sẽ hỏi vậy tôi tìm thấy gì, tìm được gì ở bài võ dưỡng sinh này?
Tôi đã tìm được nhiều, rất nhiều…

Đối với bài TCTS, bài võ dưỡng sinh này đã từng là bài võ gia truyền của dòng họ Nguyễn Cảnh – dòng họ khoa bảng với rất nhiều người đỗ đạt như: Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh Chân (được đặt tên cho một đường phố gần quảng trường Ba Đình), Nguyễn Cảnh Toàn – Nguyên thứ trưởng Bộ giáo duc (1976-1989), nguyên Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Hà Nội, nguyên Phó chủ tịch hội toán học Việt Nam, tổng biên tập tạp chí toán học và tuổi trẻ trong hơn 40 năm … và sau này là Nguyễn Song Tùng hậu duệ của dòng họ Nguyễn Cảnh – người có công lớn trong việc biên soạn, phổ cập bài Thái cực Trường sinh đạo Việt Nam ra với quảng đại quần chúng nhân dân, với tiêu chí là: Giữ gìn sức khỏe của các cụ, của con cháu các cụ hay nói cách khác là mục tiêu của bài tập TCTS này – phi lợi nhuận vì sức khỏe cộng đồng.

Vấn đề muôn thủa đầu tiên – tiền đâu. Từ tay trắng với Tâm huyết của sư phụ, với sự tận tâm, tận lực của đông đảo môn sinh, tuy rằng nguồn lực kinh tế còn hạn chế, cùng với sự phổ biến của hàng trăm môn tập cả thể dục và dưỡng sinh khác. Vậy mà 20 năm qua đã có hàng chục vạn người, ở nhiều tỉnh và thành phố vẫn hằng ngày say sưa luyện tập bài võ dưỡng sinh này. Xin kể ra đây một chuyện nhỏ – vào năm 2009, chương trình sức khỏe của O2-TV làm một phóng sự nhỏ để giới thiệu về bài tập TCTS, dự kiến phát trong 3 tháng. Khi O2-TV ngừng chương trình phát sóng bài tập này thì nhận được thư đề nghị dồn dập của rất nhiều khán giả. Chính vì thế, chương trình vẫn kéo dài cho tới nay (năm 2011). Chỉ sơ qua vậy thôi, độc giả cũng thấy sự “hữu xạ tự nhiên hương” của bài tập TCTS này.

TCTS  là một bài võ quyền, không đánh ai, chỉ rèn luyện bản thân mình: Chính tâm tịnh ý, tu luyện bản thân mình để ngày càng vị tha hơn, trưởng thành hơn nhằm làm chủ bản thân mình, trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Hoàn thiện mình hơn – tức hướng tới chữ Tâm. Thật vậy, người tập bài này khi thuần thục đều được bạn bè nhận xét là thay đổi Tâm Tính. Các độc giả nghĩ xem, tính cách của một người thường phải mất hàng chục năm để hình thành. Vậy mà, vài năm thậm chí vài tháng đã thay đổi được thì quả là kỳ diệu. Đặc biệt, cùng một nhóm bạn học bài TCTS của cùng một thầy mà mỗi người đi quyền lại thể hiện một khác. Đó là cá tính của mỗi người khác nhau lên thể hiện bài tập cũng khác nhau. Ngoài ra, bài này còn giúp tăng cường hô hấp, giảm stress, điều chỉnh cơ thể (chữa cong vẹo cột sống, gù lưng) cân bằng âm dương, cải thiện trí nhớ vv…. Vì lẽ đó, có rất nhiều người tìm đến với bài tập.

Bạn hãy cùng tôi khám phá những điều kỳ diệu đó nhằm mang lại cho bản thân mình một sức khỏe tốt và một tinh thần khỏe mạnh”…

Tân Trương

Nguồn: http://vothuat.vn/

___________________________

Một số nhận thức về luyện thân, luyện thở, luyện Tâm trong TCTS Đạo

Mở đầu: luyện thân, luyện thở, luyện Tâm (còn gọi là điều thân, điều tức, điều Tâm) là ba trụ cột cơ bản của các môn khí công.  Khí công có nhiều môn phái: Lão gia, Khổng gia, Phật gia, Võ gia và Y gia.  Căn cứ vào sự vận động hay không vận động của thân mà người ta chia thành hai dòng chính: động công và tĩnh công.  Động công là thân vận động, tĩnh công là thân bất động nhưng tất cả đều kèm theo luyện thở và luyện Tâm. Ba yếu lĩnh này cùng khai, cùng hợp và hiệp đồng tác dụng.  Nó không khác gì một bài thuốc, đặc biệt rõ trong các bài thuốc đông y. Trong các bài thuốc đều có bốn thành phần: quân, thần, tá, sứ. Quân và thần là thuốc chính trị bệnh, tá là phần phụ gia để chế thành dạng nước, cao, hoàn, tán. Còn sứ là chất dẫn thuốc. Nếu thang thuốc chỉ có thuốc chính trị bệnh thì tác dụng sẽ giảm hoặc mất. Ngược lại chỉ có chất phụ gia hoặc chất dẫn thuốc thì hoàn toàn không có tác dụng trong điều trị bệnh.
TCTS Đạo là một môn động công điển hình vì vận động cơ thể là nền tảng cơ bản và nó cũng không tách rời luyện thở và luyện Tâm. Đặc biệt trong TCTS Đạo, cụ Song Tùng nhấn mạnh đến Tâm và việc luyện Tâm, coi đây là vấn đề khởi đầu và cũng là kết quả cuối cùng của quá trình luyện tập TCTS Đạo. Cụ cũng chỉ ra rằng nếu chỉ luyện thân mà không luyện thở thì tác dụng không lớn. Vì thế, việc luyện thân, luyện thở và luyện Tâm trong TCTS Đạo đều phải coi trọng ngang nhau không được coi nhẹ bất cứ mặt nào. Sau đây, chúng tôi xin nhắc lại những vấn đề cơ bản trong luyện thân, luyện thở và luyện Tâm và những nhận thưc  của bản thân về những vấn đề trên. Còn chi tiết đã có đủ trong các sách của cụ Song Tùng.
I. Luyện thân:
Thân gồm có đầu, cổ, mặt, mình và tứ chi
1.  Đầu, cổ, mặt: Đầu phải ngay ngắn, huyệt bách hội luôn hướng lên trên, mục đích để huyệt bách hội hấp thụ thiên khí một cách dễ dàng nhất.  Theo kinh nghiệm của bản thân khi tập nên nhìn cách chỗ đứng khoảng 10m trên mặt đất là vừa. Nếu nhìn xa hơn đầu dễ ngửa ra sau mà không biết.
Nét mặt phải bình thản như mặt Phật.  Tuy vậy với một số người nét mặt dễ bị kích thích, việc giãn cơ mặt như mặt Phật cũng không dễ dàng làm được ngay mà cần có thời gian luyện tập mới làm được.
Lưỡi: lưỡi đặt nhẹ lên hàm trên mục đích nối liền hai mạch nhâm và đốc để khí đi từ đốc mạch sang nhâm mạch dễ dàng.
Mắt: rất quan trọng vừa luyện cho mắt tinh nhanh mà còn có tác dụng để luyện thần.  Khi luyện thì mắt nhìn cách đầu ngón trỏ 1cm và dẫn tay đi
2. Thân: Quan trọng nhất là cột sống, vai, eo và bụng
a. Cột sống: Phải ngay ngắn làm cho lưng thẳng. Lưng thẳng mới tạo điều kiện cho huyệt bách hội hướng lên trên và ba huyệt bách hội, á môn, trường cường là một đường thẳng ở bất cứ tư thế nào của cơ thể. Cột sống có thẳng mới tạo điều kiện cho chân khí đi ra theo huyệt mệnh môn đến khắp các kinh mạch của cơ thể một cách dễ dàng.
b. Vai: Thả lỏng hai vai và các cơ ngực, tư thế này làm cho vai hơi đưa ra trước, ngực hơi thu vào đồng thời cơ vùng lưng hơi lõm xuống và các đốt sống lưng hơi lồi ra sau. Tư thế này làm cho khí thở niêm dán vào lưng. Đây gọi là tư thế hàm hung bạt bối. Tư thế này làm cho khí trầm xuống đan điền. Điều này rất quan trọng tạo điều kiện cho tinh biến thành khí và là điểm tựa để tịnh ý “ý tại đan  điền”.
c. Eo: là phần đặc biệt quan trọng trong vận động thân và việc sinh thận khí. Về mặt giải phẫu, eo là phần thắt lưng từ đốt sống thắt lưng 1-5 (L1-L5) nhiệm vụ của nó là nâng đỡ toàn bộ cơ thể từ thắt lưng lên phía trên. Mọi vận động của cơ thể đều phải bắt đầu từ chân quyết định ở eo, biểu hiện ở tay. Vì thế, khi chỉnh sửa tư thế nào đều phải bắt đầu sửa từ eo trước. Khi vận động thân trên và cả hai chi dưới eo phảii thả lỏng động tác mới linh hoạt và tinh tế.
Theo quan niệm của y học phương Đông, eo là của ngõ của sinh mệnh vì ở đó có huyệt mệnh môn là cửa sau của Đan điền (cửa trước là huyệt Khí hải). Huyệt mệnh môn nằm ờ đốt sống L2 giữa hai quả thận. Quả thận bên phải có chân âm, bên trái có chân dương. Vì vậy, giữa mệnh môn hai quả thận đã tạo nên một thái cực (nhất âm, nhất dương thành thái cực). Sự hoạt động của thận mạnh hay yếu, âm dương có cân bằng hay không đều phụ thuộc vào huyệt mệnh môn. Vì vậy khi vận động phải đặc biệt chú y vận động eo. Vận động eo đúng cách sẽ tác động vào huyệt mệnh môn sinh thận khí, điều này quyết định rất lớn đến kết quả của bài tập.
d. Liễm đồn và háng treo: Liễm đồn là tư thế mà khi thân hạ thấp mông không đưa ra sau. Chính tư thế này tạo nên háng tròn và là tư thế làm cho vùng bụng dưới và mông tạo thành một cái bệ vững chắc đồng thời làm cơ hậu môn nâng lên, làm cho hậu môn khép lại nối liền hai mạch nhâm đốc ở phía dưới.
e. Bụng: đảm bảo thả lỏng nhưng vẫn có độ vững chắc để cho khí trầm xuống đan điền dễ dàng.
3. Chi trên: tay là bộ phận linh hoạt nhất của cơ thể. Nguyên tắc vận động chung là bắt đầu từ chân, quyết định ở eo, biểu hiện ở tay. Một chuyên gia Thái Cực Quyền đã nói: chỉ cần nhìn vào cái duỗi tay có thể biết trình độ người tập công phu đến đâu
Về vận động của tay, cụ Song Tùng đã có hai câu thơ:
“Ba chìm cùng với ba tâm
Âm dương Thái cực biến trong hóa ngoài”
Ba chìm là vai, khuỷu, cổ tay
Ba tâm là khuỷu tay, cổ tay, huyệt lao cung ở bàn tay
Âm dương Thái cực: hai bàn tay vận động luôn đối xứng nhau như tiến và lùi, lên và xuống, sang phải và trái…
Biến trong hóa ngoài: tức là khí vận động xoáy trong cánh tay, cẳng tay, bàn tay, ngón tay được biểu hiện ra bên ngoài bằng các động tác của chúng.
4. Chi dưới: rất quan trọng, là yếu tố then chốt thực hiện các động tác của toàn thân. Nguyên tắc vận động là bắt đầu từ chân, quyết định ở eo, biểu hiện ở tay. Nếu chận vận động không tốt thì không thể thực hiện được các bước tiếp theo. Vận động chi dưới chủ yếu là các thế tấn. Có 4 thế tấn là: trung bình tấn, chảo mã tấn, đinh tấn và tấn động cước. Các thế tấn này thay đổi liên tục trong suốt bài tập.
Điều quan trọng trong các thế tấn là phải rõ rang, chân tấn là chân thực (dương), chân không tấn là chân hư (âm). Âm dương phải rõ ràng. Khi tập không bước ngắn quá hoặc dài quá nhất là lúc mới tập. Bước ngắn quá trông tủn mủn rụt rè và không phân rõ hư thực. Bước dài quá sẽ dẫn đến đau đùi mỏi gối dễ nản chí. Tuy vậy, bước chân càng về sau quen dần rồi thì bước dài ra.
Khi tập thành thạo nên đi trên Thái cực đồ. Mục đích làm cho sự vận động đúng hướng cả hướng của bàn chân, của vai và thân.
5. Yếu lĩnh chung của sự vận động
a. Toàn bộ bài tập vận động trên Thái cực đồ của Chu Đôn Di. Kích thước của Thái cực đồ phụ thuộc vào chiều cao và cả sức khỏe người tập. Việc đi trên Thái cục đồ không dễ dàng, cần có thời gian luyện tập tương đối dài và thành thạo động tác.
b. Lấy ý vận khí, lấy khí vận thân: tức là người tập chú ý vào hơi thở và vận khí ra toàn thân từ đó khí vận động toàn bộ thân thể. Muốn đạt được yêu cầu này phải: dãn cơ thật tốt, phối hợp hài hòa giữa động tác và hơi thở. Yếu lĩnh lấy ý vận khí, lấy khí vận thân cũng đồng nghĩa với dụng ý bất dụng lực.
c. Trong nhu có cương trong cương có nhu. Nhu ở đây chỉ trạng thái dãn cơ, cương ở đây là nói đến khí, khí sinh ra lực (ý khí lực). Trong trạng thái dãn cơ hoàn toàn vẫn có khí sinh lực ở bên trong và ngược lại.
d. Khi động không chỗ nào không động, khi tĩnh không chỗ nào không tĩnh (nhất động vô hữu bất động, nhất tĩnh vô hữu bất tĩnh). Mỗi động tác của TCTS Đạo đều làm vận động tất cả các cơ quan trong cơ thể, khi nghỉ thì tất cả đều nghỉ. Nếu khi vận động để thực hiện một động tác nào đó mà một bộ phận cơ thể không vận động thì đó là một thiếu sót lớn.
e. Liên hoàn và uyển chuyển: liên hoàn rất quan trọng vì có đi liên hoàn mới phù hợp với triết học phương Đông và bảo đảm sự liên tục và uyển chuyển.
Theo triết học phương Đông, mọi sự vật vận động theo quy luật âm dương đều theo nguyên lý dương chưa kết thúc âm đã bắt đầu và ngược lạ. Trong TCTS Đạo có 128 số gồm 64 số dương (số lẻ) và 64 số âm (số chẵn).  Điều đó có nghĩa là khi tập liên hoàn, số trước chưa kết thúc số sau đã bắt đầu rồi, liên tục từ số 1 đến số 128.
TCTS Đạo có 128 số đều là 128 thế võ thuật. Một thế võ thuật có 4 giai đoạn: khởi, thừa, chuyển, hợp. Đi liên hoàn là giai đoạn hợp của số trước đồng thời với giai đoạn khởi của số sau.
Cách đi liên hoàn này nó bào đảm cho bài tập không gián đoạn vì sự gián đoạn thường rơi vào chỗ kết thúc của mỗi số và chuẩn bị vào số sau. Đi liên hoàn tránh được sự gián đoạn này. Muốn đi liên hoàn được cơ thể phảii mềm dẻo, đó là điều kiện đầu tiên để vận động uyển chuyển.
Thực tế, việc luyện tập TCTS Đạo ở Tp Hồ Chí Minh cho thấy rằng nhiều hội viện đã luyện tập được trên mười năm, góc độ chính xác, đi liên tục nhưng không uyển chuyển vì chưa chú ý đến sự liên hoàn của các động tác.
f. Tâm trí khí hình tập trung vào từng động tác
Yếu lĩnh này rất quan trong. Cụ Song Tùng từng nói ‘tâm trí khí hình đồng khai hợp” vì khi tâm trí luôn luôn tập trung vào bài tập, khi đó mới vận được khí và động được hình (thân). Nếu tâm trí phân tán sẽ dẫn đến loạn khí, động tác sẽ vô hồn, hơi thở sẽ không ổn định vì vậy kết quả chắc chắn sẽ không cao.
6. So sánh vận động thân của TCTS Đạo và Thái Cực Quyền
Tôi xin mạo muội so sánh sự vận động thân của TCTS Đạo với Thái Cực Quyền
- Trong các yếu lĩnh của Thái Cực Quyền thì TCTS Đạo có đủ mặc dù động tác có khác nhau
- TCTS Đạo đi trên Thái cực đồ của Chu Đôn Di, Thái Cực Quyền không đi trên Thái cực đồ này
- TCTS Đạo đi liên hoàn đó là nguyên tắc bắt buộc. Nếu không đi liên hoàn bài tập đó chưa hoàn chỉnh. Nhưng Thái Cực Quyền chỉ đi liên tục, đi như kéo tơ.
- Thái Cực Quyền mắt nhìn theo sự chuyển động của tay, nhưng TCTS Đạo mắt dẫn tay đi. Nhìn bề ngoài giống nhau nhưng bản chất khác nhau. Mắt ở TCTS Đạo dẫn tay đi mang tính chủ động, còn trong Thái Cực Quyền có tính chất thụ động, nó phụ thuộc vào sự vận động của tay.
Để kết thúc phần này, tôi xin nêu 2 câu thơ của cụ Song Tùng và các bậc tiền bối
“Đồng khai hợp đầu mình eo mắt
Hợp nhất đồng tâm ý khí hình”
II. Luyện thở
Rất quan trọng. Cụ Song Tùng từng cho rằng chỉ luyện thân mà không luyện thở tác dụng không lớn. Thực tế trên sân tập của chúng tôi sau 5 năm, những ai chịu khó luyện thở tác dụng bài tập thấy rõ. Những ai không luyện thở tác dụng ít hoặc không rõ. Mặt khác, tập TCTS Đạo là tập khí công, nếu là tập khí công mà không tập thở thì thật là khó chấp nhận.
Về cách luyện thở cụ Song Tùng đã nói rõ trong sách. Tôi chỉ xin nêu những vấn đề quan trong nhất.
- Thở bụng hay là cách thở cơ hoành: là cách thở mà người tập các môn khí công không sớm thì muộn đều phải đạt tới. Cả y học phương Đông và y học hiện đại đều công nhận tác dụng to lớn của nó.
Với y học hiện đại, họ cho rằng thở bụng có tác dụng như sau:
- Lượng khí vào phổi trong cùng một thời gian thở bụng nhiều hơn thở ngực
- Cơ hoành di chuyển làm các nội tạng trong ổ bụng được xoa bóp, tránh ứ trệ máu
- Áp lực trong thì hít vào ở ngực giảm làm cho máu về tim dễ dàng, nhẹ gánh rất nhiều cho tim.
Với y học phương Đông: khi thở bụng, cơ hoành hạ thấp đưa tâm khí mạng hỏa ở trên xuống đan điền, chúng kết hợp với thân khí mạng thủy để chưng cất tinh tiên thiên thành khí tiên thiên. Không có sự kết hợp này tinh tiên thiên không thành khí tiên thiên được.
Theo y dịch: khi thở bụng, khí trầm xuống đan điền làm cho phía dưới từ eo trở xuống nặng, phía trên nhẹ giống như quẻ Thái () trong kinh dịch mà quẻ Thái đứng đầu trong vòng thành của vòng sinh thành bại tuyệt (thành tức là trưởng thành đi lên). Mặt khác, theo lý thuyết về khí công mọi vận động đều nhằm mục đích làm cho lực của cơ thể lắng đọng xuống dưới  tạo nội lực tiềm tàng trong cơ thể. Vì thế, trầm khí đan điền phù hợp với mục đích của luyện tập khí công.
Trầm khí đan điền còn có tác dụng là điểm tựa cho tâm ý tập trung vào đó (ý tại đan điền) tránh phân tán tư tưởng khi luyện tập.
Về cách vận khí: ở thì hít vào đưa khí vào đan điền đồng thời ép khí vào huyệt mệnh môn. Từ mệnh môn khí đi theo cột sống và theo đường kinh mạch đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Đây là quá trình luyện tập lâu dài gian khổ tránh vội vã đốt cháy giai đoạn gây hậu quả không tốt
III. Luyện Tâm
Trong khí công nói chung luyện tâm rất quan trọng. Trong luyện tập TCTS Đạo cụ Song Tùng đặc biệt coi trọng luyện Tâm, coi đây là điều kiện đầu tiên, là hành trang mang theo trong suốt quá trình luyện tập và cuối cùng cũng đạt được Tâm, cái Tâm của bậc chính nhân quân tử còn gọi là chính Tâm.
Theo quan niệm của cụ Song Tùng và các bậc tiền bối: con người khi sinh ra đã có cái Tâm thiện “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Nhưng trong quá trình sống, do tiếp thu qua lục dục (sắc, thính, hương, vị, xúc, pháp) nên Tâm con người bị pha tạp có mặt tốt và cả mặt xấu tức có cả chính Tâm và tà Tâm. Luyện tập TCTS Đạo mục đích gạt bỏ tà Tâm trở lại chính Tâm.
Cũng theo quan điểm của cụ Song Tùng và các bậc tiền bối, đối tượng luyện tập TCTS Đạo là chính bản thân người tập, ngoài ra không còn đối tượng nào khác. Hay nói cụ thể hơn là tập TCTS Đạo không phải để đánh ai mà chính là để cải tạo bản thân mình để có sức khỏe tốt, trí tuệ minh mẫn, tâm hồn trong sáng và khí phách hiên ngang.
Việc cải tạo bản thân là công việc cực kỳ khó khăn. Người xưa thường nói chiến thắng đối thủ đã khó, chiến thắng chính bản thân mình còn khó hơn. Vì thế người tập TCTS Đạo xác định cái Tâm là điều kiện đầu tiên, đó là lòng quyết tâm cải tạo bản thân một cách cao độ, đồng thời với đức tính nhẫn nại tuyệt vời. Với người làm một lần thì xong, mình phải làm mười lần. Với người làm một trăm lần thì xong, mình phải làm một nghìn lần cũng không nản chí. Cái gì chưa rõ phải hỏi cho rõ, phải hiểu cho rộng và suy cho kỹ. Có như vậy mới mong đạt được thành quả cuối cùng là trở về chính Tâm tức là đạt được Đạo.
Việc luyện Tâm, khí phách để cho tâm hồn trong sang, khí phách hiên ngang khó khăn hơn nhiều so với luyện thân và luyện khí. Luyện tâm hồn và khí phách bằng cách: kết hợp giữa luyện thân và Tâm niệm. Ví dụ trong bài tập TCTS Đạo có thế võ tấn công và thế phòng thủ. Với thế tấn công ta tâm niệm tấn công vào tà tâm. Với thế phòng thủ ta tâm niệm là để bảo vệ chính tâm. Điều này cũng phù hợp với khí công y đạo khi cho rằng trong Tâm con người có tà Tâm và chính Tâm.  Chính tâm sẽ cho ta những suy nghĩ tốt, lời nói hay và hành động tốt. Còn tà Tâm sẽ cho ta những suy nghĩ xấu, lời nói xấu và hành động xấu. Ta chỉ nên suy nghĩ những điều tốt, nói những câu nói hay và làm những việc tốt thì Tâm của ta sẽ tốt lên.
Mặt khác, việc chăm chỉ luyện tập hằng ngày làm sức khỏe tốt lên, ta sẽ cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống và con người hơn. Từ đó tránh được những suy nghĩ tiêu cực hủ bại. Đồng thời trí tuệ của ta cũng minh mẫn hơn để phân biệt rõ đâu là chính Tâm, đâu là tà Tâm và có đủ dũng khí chống lại tà Tâm.
Đến đây chắc một số người cho rằng những điều trên có cái gì đó mơ hồ không có cơ sở dẫn đến không tin tưởng. Thật ra, nói đến Tâm, một khái niệm trừu tượng không dễ dàng cân đo đong đếm hoặc giải thích rõ ràng được. Nhưng thực tế sau 20 năm TCTS Đạo đưa ra cộng đồng, nhiều người tập luyện đạt kết quả tốt, sức khỏe tăng lên rõ rệt và tâm hồn, khí phách cũng thay đổi. Một số người lúc đầu tâm hồn chưa trong sáng sau một thời gian tập luyện, tâm hồn trong sáng hơn. Một số người tâm hồn đã trong sáng càng trong sang hơn. Tính tình họ cũng thay đổi một số người nóng tính hoặc bạc nhược nay đã trở nên vui vẻ, bình tĩnh và yêu đời hơn. Đó là một thực tế mọi người đều thấy rõ không thể phủ nhận.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao một số người luyện tập đã lâu nhưng tâm hồn vẫn chưa trong sáng lắm, khí phách cũng tầm thường. Điều này chỉ có thể giải thích là do xuất phát điểm khi bắt đầu luyện tập và quyết tâm cải tạo mình cao hay thấp của người đó. Hay nói cách khác là sự đậm hay nhạt của chữ “thành” trong lòng họ.
Nhân đây cũng xin mạo muội so sánh tâm của TCTS Đạo và Thái Cực Quyền
- Đối tượng của TCTS Đạo là chính bản thân mình, đối tượng của  Thái Cực Quyền là đối thủ
- Thái Cực Quyền cũng có nội dung luyện Tâm cụ thể như sau
* Tín ngưỡng tâm: là tin tưởng tuyệt đối bài quyền mình tập
* Tôn trọng tâm: đã chọn thầy phải thật tôn kính
* Hằng tâm: đã quyết tâm học thì không thay đổi
* Nhẫn nại tâm: học năm năm chưa được thì mười năm, học mười năm chưa được thì 20 năm khi nào đạt được mới thôi
* Khiêm tốn tâm: lúc nào cũng khiêm tốn học hỏi dù đạt được thành tích thế nào chăng nữa
TCTS Đạo không phủ nhận những nội dung Tâm trên của  Thái Cực Quyền nhưng chỉ coi là điều kiện để thành công mà thôi. Mục đích cuối cùng của TCTS Đạo là đạt được chính Tâm tức là tâm hồn, khí phách của bậc chính nhân quân tử.
Giàu sang không thể quyến rũ
Nghèo khó không thể chuyển lay
Vũ lực không thể khuất phục
Tóm lại: Quá trình luyện tập khí công nói chung là quá trình liên tục lâu dài và gian khổ. Việc luyện tập TCTS Đạo càng liên tục, lâu dài gian khổ hơn vì đó là quá trình tự cải tạo bản thân để đạt được đạo. Chính vì vậy, đây là con đường dài vô tận cho những ai muốn đi đến tận cùng và thật là ấu trĩ khi có ai đó tự cho mình là giỏi rồi, là đủ rồi không cần rèn luyện vươn lên nữa. Hy vọng rằng, TCTS Đạo là hành trang mang theo trong suốt cuộc đời và những mục đích cao đẹp của TCTS Đạo cũng là mục tiêu lý tưởng sống của mỗi người trên đất nước Việt Nam của chúng ta.
Tháng 11 năm 2011
Bác sỹ Nguyễn Trung Hoan, phường 13, quận Tân Bình,
Tp. Hồ Chí Minh - ĐT: 09229797574

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn yêu thích môn phái võ thuật nào nhất ?

Long
Long bên trái
Hổ
Hổ bên phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây